Bạn đang muốn tìm hiểu cách trồng cây bằng lăng rừng sao cho sống khỏe, ra hoa nhanh và đẹp? Vậy thì ngay sau đây hoacanhquangvy sẽ nhanh chóng chia sẻ thông tin cần thiết về chủ đề này. Việc trồng bằng lăng để làm đẹp, lấy bóng mát hay thỏa mãn thú chơi cây cảnh tao nhã không phải một trào lưu mới nổi. Nhưng nó chưa bao giờ trở nên lỗi thời hay khiến người ta nhàm chán.
Các loại cây bằng lăng
Bằng lăng là tên gọi chung của nhiều chủng loại cây thân gỗ có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới, nhiều nhất là Ấn Độ. Tùy mục đích sử dụng mà người trồng lựa chọn giống cây phù hợp. Phân loại cây bằng lăng như sau:
- Dựa vào đặc điểm, màu sắc: bằng lăng tím, bằng lăng nước, bằng lăng lông, bằng lăng vàng,…
- Chia loại dựa vào kích thước thân cây: bằng lăng lùn, bằng lăng lùm bụi, bằng lăng cao,…
- Gọi tên bằng màu sắc hoa: bằng lăng tím, bằng lăng tím trắng, bằng lăng tím sậm, bằng lăng hồng trắng,…
- Một số loại phổ biến nhất: bằng lăng nước, bằng lăng ổi (bằng lăng cườm) và bằng lăng rừng (cây bằng lăng núi)
Tìm hiểu về cây bằng lăng rừng
Giới thiệu chung
Cây bằng lăng rừng là giống cây mọc hoang, rải rác các sườn đồi, núi. Ở môi trường hoang dã nó có tác dụng bảo vệ đất dốc, chống xói mòn, ổn định môi trường sinh thái. Ở Việt Nam, bằng lăng rừng thường mọc nhiều tại miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhờ có hoa đẹp nên bằng lăng rừng được sử dụng trong thiết kế thi công cảnh quan phổ biến.
Đặc điểm sinh thái cây bằng lăng rừng
Bằng lăng rừng hay còn gọi là cây bằng lăng núi. Các đặc điểm sinh thái của loài cây này có thể được kể như sau:
+ Cây thuộc dạng cây gỗ lớn, thân cao, dáng đẹp, tán rộng khoảng 2 – 3m, có nhiều tầng tán.
+ Lá cây có màu xanh đậm, hình bầu dục đầu nhọn, hơi giống lá cây mãng cầu nhưng không bóng, các đường gân đối xứng 2 bên.
+ Chùm hoa bằng lăng rừng rất đẹp mắt và độc đáo với cánh to, màu tím hoặc hồng phấn điểm vàng nhạt ở giữa. Hoa nhẹ như xác pháo, nở rộ vào mùa hè.
+ Hoa tàn, quả có hình cầu sẽ xuất hiện, quả có màu xanh tím và chuyển dân thành màu gỗ. Bên trong quả có chứa hạt.
Cách trồng cây bằng lăng rừng
Nội dung quan trọng nhất mà chúng ta tìm kiếm sẽ được truyền tải ngay bây giờ. Trước khi đi vào chi tiết các bước trồng cây thì mọi người phải biết kỹ thuật chọn giống. Sau khi cây con đã mọc thì nên tham khảo bứng cây một cách chuyên nghiệp.
Tiêu chuẩn chọn giống bằng lăng rừng
Để có được cây bằng lăng rừng con đạt chuẩn, trồng sống ngay thì điều kiện không thể thiếu là chọn giống. Bạn lấy giống bằng lăng từ cá thể mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh. Tốt hơn nữa thì cây mẹ phải có hình dáng đẹp, tán tỏa đều, độ tuổi từ 10 – 20 là lý tưởng.
Tiếp tục thực hiện những việc sau:
- Lựa những quả chín trên cây mẹ, đem về phân loại để lựa chọn
- Những quả chưa chín được lọc ra, đem ủ lại thành đống, 2 – 3 ngày sau quả sẽ chín đều
- Sau đó rải đều quả chín, phơi nắng nhẹ để tách hạt hàng ngày. Hạt này đem hong khô ở nơi râm mát 2 – 3 ngày
- Cho đến khi hạt khô đều hết rồi, bạn thu lại, chọn lọc lần nữa để loại bỏ hạt không đạt chuẩn, bảo quản hạt đã chọn ở nơi khô ráo.
Cách trồng cây bằng lăng rừng
Tiến hành trồng cây bằng lăng rừng sau khi đã chọn giống, chuẩn bị vật dụng đầy đủ theo quy trình sau:
Bước 1: Gieo hạt ngoài luống, theo tỷ lệ hạt và cát khô là 1:3, gieo từ từ, nhẹ nhàng để hạt được rải đều trên mặt luống
Bước 2: Phủ một lớp cát mịn lên trên, cát dày khoảng 3 – 4mm, tưới ít nước bằng vòi sen nhẹ nhàng cho đủ ẩm
Bước 3: Che phủ mặt luống bằng rơm, cỏ khô đã khử trùng bằng nước vôi, hằng ngày tưới nước đều đặn
Bước 4: Sau 3 – 4 tuần thì nhổ các cây non, cấy vào bầu (kỹ thuật bứng cây sẽ nói ở phần dưới)
Bước 5: Cấy vào bầu xong thì che nắng toàn bộ cây non từ 5 – 6 ngày
Bước 6: Khoảng 15 ngày sau cây con đã bén rễ thì tháo bớt giàn che ra để có chút thông thoáng
Bước 7: Sau khoảng tháng hoặc tháng rưỡi thì tháo hoàn toàn giàn che
Khi cây đã mọc chắc chắn và không cần đến giàn che nữa thì bạn tiếp tục chăm sóc, tưới nước hàng ngày. Trong những năm đầu cây bằng lăng rừng rất cần tưới nước, và đặc biệt nữa là ánh sáng. Hãy đảm bảo cây được hứng ánh sáng đầy đủ, không bị che bóng hoặc cản trở cành vươn.
Cách bứng cây bằng lăng không bị chết
Trong cách trồng cây bằng lăng rừng, ở bước 4 như đã nói trên là chúng ta tiến hành đảo bầu cho cây. Bứng như thế nào để cây không bị ảnh hưởng bộ rễ, thân, cành non, là điều cần thiết phải quan tâm.
- Trước hết cần chuẩn bị sẵn đất trồng để bứng cây ra là có chỗ trồng ngay vào
- Dùng tay nhẹ nhàng, hạn chế tối đa việc làm hại đến rễ cây con, không nắm quá mạnh sẽ làm hỏng thân cây yếu ớt
- Ngày mưa to, gió lớn hoặc quá nóng bức thì không nên tiến hành bứng cây ra khỏi bầu
Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bằng lăng rừng cho nhanh ra hoa đẹp
Thời vụ và mật độ trồng thích hợp
Thời vụ gieo ươm: Tùy điện kiện tại mỗi nơi trồng mà thời vụ không hoàn toàn giống nhau. Quan trọng là nên tránh những tháng có mùa mưa lớn hoặc nắng hạn quá gay gắt. Thường cây bằng lăng rừng được trồng hiệu quả nhất là rơi vào tháng 2 – 3 dương lịch.
Mật độ trồng: Mỗi cây bằng lăng nên được trồng cách nhau 3 – 4m, các hàng cách nhau 4 – 5mm. Ngoài ra mật độ thích hợp đối với cây bằng lăng rừng là khoảng 500 – 830 cây/ ha. Trong những năm đầu khi cây chưa che tán kín đất thì nên trồng thêm cây giữa các hàng để bảo vệ cho đất trồng không bị khô hạn, mất hết dinh dưỡng.
Phòng chống sâu, bệnh cho cây bằng lăng rừng
Cây bằng lăng rừng được ưa chuộng một phần nhờ vào việc nó không có nhiều sâu bệnh. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu khi trồng tại vườn ươm phải làm sạch cỏ để tránh sâu, bệnh hại cho cây.
- Nấm bệnh: tưới dung dịch booc-đô 1% hoặc COC 85 liều lượng 25gr cho 1 – 2 bình 8 lít, mỗi tuần 1 lần
- Sâu ăn lá hoặc công trùng: Phun Bassa 50ND pha 1/400 hoặc 1/600, hay có thể phun Methyl parathion 0,1%
- Bệnh thối cổ rễ: Phun đều lên mặt luống bằng dung dịch Booc-đô 1% hoặc thuốc Benlate liều lượng 1g/ 1lit
Bón phân, tưới nước cây bằng lăng rừng
Phân bón: Cần bón phân vào luống ngay từ đầu, trước khi đặt cây con vào ít nhất 15 ngày. Về lượng phân: dùng 5 – 10kg phân chuồng hoai cho 1 hố, 100gr phân NPK cho 1 hố. Phân được trộn đều với đất rồi lấp đất đầy hố. Ngoài ra cần vun gốc và bón thêm phân hữu cơ hoai mục hoặc NPK định kỳ để cây xanh tốt, cho hoa đẹp.
Sau 3 năm đầu thì lượng phân bón phải tăng dần lên, bón thêm vào lúc làm cỏ và vun gốc xung quanh mùa mưa. Đều đặn 2 tuần 1 lần hãy tưới thêm ít phân NPK pha loãng 1%. Tưới phân xong thì tưới lại bằng nước sạch để lá cây không bị cháy.
Tưới nước: Nước được tưới khi vừa gieo hạt, sau khi bỏ cây con vào bầu, ra luống. Trong 3 – 4 năm đầu phải chú trọng việc tưới nước mặc dù không cần tưới quá nhiều vì cây bằng lăng rừng chịu hạn rất tốt. Sau mỗi trận mưa to cần phải xới phá váng.
Cắt tỉa, tạo hình cây bằng lăng rừng
Nếu trồng cây bằng lăng để làm đẹp, tạo hình bonsai hoặc dùng thân làm gốc ghép bonsai thì người ta hay quan tâm đến kỹ thuật cắt tỉa, uốn dáng cho cây. Nên thực hiện những thao tác này vào cuối tháng 7, lúc cây phát triển mạnh và ra chồi mới nhiều.
Bạn có thể dùng dây kẽm, chì, đồng hoặc dây có vải quấn quanh để uốn dáng cây. Ở các cửa hàng cây cảnh hoặc cửa hàng bán các dụng cụ cây cảnh sẽ có bán những loại dây uốn cành với giá không đáng bao nhiêu.
Cắt tỉa những cành vươn không đúng ý nhằm tăng tính thẩm mỹ của cây và hiệu quả làm đẹp cảnh quan. Nếu uốn bonsai, bạn sẽ uốn thân trước rồi đến cành chính, cành quanh thân từ gốc lên. Không nên quấn chặt hay lỏng quá, đường quấn chéo phải tạo những góc 45 độ so với đường thẳng đứng. Sau 1 năm thì có thể tháo dây uốn.
Lưu ý về kỹ thuật trồng, chăm sóc bằng lăng rừng
- Bằng lăng rừng là cây ưa sáng nên phải được trồng ở nơi có đủ ánh sáng tự nhiên, không nên để cây dưới tán cây khác hoặc trong bóng râm
- Chọn đất tơi xốp để trồng cây bằng lăng rừng, đất giàu dinh dưỡng nhưng cũng phải thoát nước tốt, để cây không bị ngập úng vào mùa mưa
- Nếu trồng trong cảnh quang đô thị thì cây non cao khoảng 1m phải được quây lưới bảo vệ để không bị mưa gió hay tác động khác làm gãy
- Trong 3 – 4 năm đầu khi trồng, phải chăm sóc cây kỹ lưỡng, bón phân hữu cơ 1 – 2 lần/ năm, nhặt cỏ, tưới nước hằng ngày cho cây phát triển
Lợi ích khi trồng cây bằng lăng rừng
Không phải ngẫu nhiên, ngày càng nhiều người tìm đến cây bằng lăng rừng thay vì những loại cây cảnh khác trước đây. Đó là bởi những lợi ích nổi bật của loài cây này như:
- Làm cây cảnh, tạo cảnh quang đẹp, che bóng mát hiệu quả, áp dụng rộng rãi được cho các trường học, vỉa hè, công viên, sân nhà,…
- Cây trồng nhanh lớn, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt trong những năm đã trưởng thành
- Có thể thiết kế bonsai bằng lăng độc đáo và giá trị từ cây bằng lăng rừng
- Dùng thân bằng lăng rừng để làm gốc ghép bonsai
- Trồng cây lấy gỗ, cây bằng lăng rừng thuộc nhóm gỗ loại 3, giá trị hơn so với bằng lăng ở đồng bằng
Ngoài ra, được biết, ngoài tác dụng làm đẹp và lấy gỗ thì cây bằng lăng rừng còn có dược tính ở từng bộ phận cây. Chẳng hạn như lá và vỏ cây dùng làm thuốc chữa tiêu chảy. Hoa bằng lăng rừng thì có thể giúp lợi tiểu, hỗ trợ điều trị bệnh về bàng quang hay thận. Quả bằng lăng được bào chế để đắp lên các vết thương, vết lở loét. Lá cây thì để làm trà uống giúp hạ đường huyết.
Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng được tự ý sử dụng các bộ phận cây bằng lăng cho việc chữa bệnh tại nhà. Tùy tiện bào chế và dùng mà không có sự tham khảo ý kiến bác sĩ thì không an toàn chút nào.
Một số điều thắc mắc về cây bằng lăng rừng
Giá cây bằng lăng rừng hiện nay
Có rất nhiều mức giá khác nhau cho cây bằng lăng rừng, nó phụ thuộc vào:
- Cá thể khách hàng lựa chọn
- Địa điểm bán cây bằng lăng rừng
- Các chi phí khác
Hiện nay trên thị trường, có khi vài trăm ngàn là chúng ta có thể mua được cây bằng lăng khá đẹp. Cũng nhiều trường hợp cây lên đến vài triệu, hàng chục triệu tùy vào giá trị và ứng dụng của chúng. Nếu mua ở cơ sở uy tín thì cây còn được bảo hành hoặc kèm theo các gói chăm sóc, tư vấn miễn phí mọi lúc.
Cây bằng lăng rừng trồng ở miền Bắc tốt không?
Ở môi trường tự nhiên thì cây bằng lăng rừng mọc hoang dại tại những tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình hay khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra cây cũng thích hợp sống ở một số địa điểm khác như Bình Phước, Đồng Nai, đó là vùng Đông Nam Bộ.
Đối với khí hậu và các điều kiện tự nhiên ở miền Bắc thì việc trồng cây bằng lăng có phần không phù hợp. Tuy nhiên nếu chú ý cách chăm sóc, bón phân và tưới nước định kỳ, phòng ngừa sâu bệnh,… kỹ lưỡng hơn một chút thì bạn vẫn có thể đưa giống cây về trồng.
Đảm bảo các tiêu chí chăm sóc đúng cách thì cây bằng lăng rừng sẽ phát triển theo hướng chúng ta mong đợi. Tuy nhiên nếu trồng ở địa phận không có điều kiện tự nhiên tối ưu cho cây thì thường người ta chỉ chăm sóc với mục đích làm đẹp như tạo dáng bonsai hay làm thân ghép bonsai chứ không trồng hàng loạt ngoài cảnh quan đô thị.
Trồng cây bằng lăng rừng trong chậu được không?
Nhiều người chọn cách trồng cây bằng lăng rừng trong chậu và thu được kết quả mỹ mãn là những chậu cây tuyệt đẹp được tạo dáng theo ý muốn của chủ nhân. Thay vì đảo bầu ra luống, hố, thì chúng ta sẽ đặt cây con vào chậu đã chuẩn bị sẵn đất, phân thích hợp. Sau đó tiến hành lấp đất, nén, giữ cây thăng bằng, cắm vài cây xung quanh để cố định.
Sau khi trồng cây vào chậu thì ta cũng tưới nước ngay để đảm bảo độ ẩm. Những chi tiết chăm sóc, tỉa cành hay tạo dáng cũng tương tự như trồng cây bên ngoài vậy. Mỗi năm 1 – 2 lần người trồng phải vun gốc, xới xáo quanh gốc. Sau 3 năm đầu thì không cần nữa.
Bằng lăng rừng là loại cây ít sâu bệnh, trồng dễ thành công, cây dễ sống, chăm sóc đơn giản. Bộ rễ cây cắm sâu, khả năng chịu hạn tốt và không yêu cầu nhiều thời gian chăm bón sau 4 năm tuổi. Cùng với việc đã tìm hiểu cụ thể về cách trồng cây bằng lăng rừng trên đây thì chúng ta đã có thể bắt đầu thực hiện ý thích của mình. Tùy mục đích trồng khác nhau mà người trồng sẽ linh hoạt các chi tiết cho phù hợp, đem lại kết quả tốt nhất. Mời bạn tiếp tục theo dõi những chia sẻ tiếp theo của Hoacanhquangvy để có kiến thức làm vườn, chăm sóc cây cảnh hiệu quả.